Nhu cầu về cao su đạt chứng chỉ bền vững PEFC tăng cao, Việt Nam trở thành nguồn cung hàng đầu thế giới
Ngày 24/11/2021, Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc tế PEFC đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Cao su Bền vững: Cùng PEFC kết nối nguồn cung mới với nhu cầu gia tăng". Tại hội thảo này, PEFC đã mời các diễn giả là lãnh đạo cấp cao của các công ty tiên phong trong ngành để chia sẻ quan điểm về vai trò và nhu cầu của nguyên liệu được sản xuất bền vững, và những câu chuyện thành công trong quá trình áp dụng chứng chỉ PEFC.
Theo báo cáo tại Hội thảo, nhu cầu nguyên liệu cao su tự nhiên, bền vững, đạt chứng nhận PEFC đang tăng lên mạnh mẽ. Nhưng cho đến hiện tại, cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu.
Hiện nay, nhờ vào những nỗ lực của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) và các công ty thành viên, đến cuối năm 2021, dự tính hơn 100.000 hecta rừng cao su ở Việt Nam sẽ nhận được chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC FM.
Ông Hans Evers, Giám đốc quản lý Bền vững của Weber & Schaer đã ghi nhận sự thành công trong việc áp dụng chứng chỉ PEFC của VRG là “bước đi thay đổi cuộc chơi” và coi đó là một trong những lý do để họ quyết định áp dụng chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC. Weber & Schaer tin tưởng rằng, chứng nhận PEFC và nguồn cung dồi dào của VRG sẽ đóng góp quan trọng giúp công ty đạt được cam kết về kinh doanh bền vững.
Khi nguồn cung cao su bền vững đã có mặt trên thị trường, PEFC sẵn sàng đóng vai trò là một người kết nối thị trường, giúp các nhà sản xuất nguyên liệu thô gặp gỡ các nhà chế biến đang tìm mua nguyên liệu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Jens Van Rompaey, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh Gỗ của Unilin - một nhà sản xuất ván sàn gỗ cứng hàng đầu đặt tại Bỉ cho biết, doanh nghiệp này đạt chứng nhận chuỗi hành trình của PEFC tại 19 cơ sở nhà máy của họ ở nhiều nước châu Âu và Malaysia. Gỗ cao su, một trong những loại gỗ cứng nhiệt đới được giao dịch nhiều nhất, là loại gỗ lý tưởng cho các sản phẩm của doanh nghiệp này. Hàng năm Unilin sử dụng hơn 10 ngàn tấn gỗ cao su.
Theo đánh giá, Hội thảo đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng kết nối với PEFC, hiểu thấu đáo hơn về việc thu mua nguồn cao su và gỗ cao su bền vững đạt chứng chỉ.
Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất trên thế giới và là hệ thống chứng chỉ lý tưởng cho các chủ rừng nhỏ, đã chứng nhận cho hơn 300 triệu ha rừng tại 49 quốc gia. PEFC có trụ sở chính đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. PEFC được biết đến là một tổ chức cung cấp sự chứng thực và công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đạt chuẩn quốc tế thông qua việc đánh giá độc lập. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) là một trong những hệ thống đã được PEFC công nhận.
Các bài viết khác:
- Thông báo giới thiệu chức danh và chữ ký của Chánh Văn phòng Cục Lâm nghiệp
- Đề cương báo cáo xây dựng Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng chống thiên tai
- Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam
- Phát động cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Cục Lâm nghiệp
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Chế biến và Thương mại lâm sản thuộc Cục Lâm nghiệp
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tổ chức sản xuất lâm nghiệp thuộc Cục Lâm nghiệp
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Sử dụng rừng thuộc Cục Lâm nghiệp
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Phát triển rừng thuộc Cục Lâm nghiệp
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Pháp chế, Thanh tra thuộc Cục Lâm nghiệp