Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022
Hôm nay, ngày 09 tháng 03 năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ năm 2022 tại Thành phố Đà Nẵng. Hội nghị do ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì với sự tham dự của đại diện các tổ chức bảo tồn quốc tế (GIZ, WWF, FFI), các tổ chức bảo tồn trong nước (SVW, CCD) và hơn 130 đại biểu đến từ các khu bảo tồn trên cả nước. Hội nghị tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng phòng hộ năm 2022, thảo luận và góp ý nhằm thông qua mô hình dữ liệu chuẩn hóa Bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) và dự thảo Quy chế hoạt động của Mạng lưới SMART quốc gia để hướng tới áp dụng thống nhất trong hệ thống khu rừng đặc dụng và phòng hộ.
Phó Tổng cục trưởng Trần Quang Bảo chủ trì Hội nghị
Theo đánh giá tại Hội nghị, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn. Năm 2022, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt; các đơn vị dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, phòng hộ; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.
Nhìn nhận vai trò quan trọng ứng dụng công nghệ, hướng tới chuyển đổi số nhằm tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên rừng trên cả nước, Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa SMART vào triển khai tại các khu bảo tồn cũng như thúc đẩy quá trình chuẩn hóa mô hình dữ liệu, thiết lập mạng lưới SMART toàn quốc để tiến tới đồng bộ hóa việc áp dụng trong hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 197/QĐ-TCLN-ĐDPH ngày 04/7/2022 quy định về quy trình sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình chuẩn hóa và tiến tới áp dụng rộng rãi Bộ công cụ trên cả nước, kết nối cơ sở dữ liệu cấp trung ương nhằm hỗ trợ công tác hoạch định chính sách của Tổng cục Lâm nghiệp trong quản lý tài nguyên rừng.
SMART là Bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng một cách chính thức ở cấp quốc gia nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và bảo vệ tại các khu bảo tồn. SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn. Những dữ liệu này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình xây dựng các quy định và đưa các quyết sách phù hợp nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.
Hội nghị đã thu nhận nhiều ý kiến góp ý và chia sẻ từ các khu bảo tồn về những khó khăn, thách thức và chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai SMART cũng như thống nhất về định hướng tiếp theo trong việc áp dụng đồng bộ hóa mô hình dữ liệu chuẩn của SMART và thúc đẩy hoạt động Mạng lưới SMART Việt Nam nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong quá trình triển khai hướng tới mục tiêu 50% các khu bảo tồn sẽ áp dụng SMART đến năm 2025.
Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ
Các bài viết khác:
- TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA TƯ VẤN CHO DỰ ÁN
- Tuyên Quang tiếp tục phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững
- Diễn đàn ngày Quốc tế về rừng với thông điệp “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”
- Hoa hậu H'Hen Niê trồng rừng ở Vườn quốc gia Cúc Phương
- Bàn giải pháp tài chính bền vững cho vườn quốc gia và khu bảo tồn
- AFoCO đồng hành cùng ngành Lâm nghiệp Việt Nam chống biến đổi khí hậu
- Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022
- Thông báo về việc công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)
- Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký quy chế phối hợp
- Hội thảo kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng