Cục lâm nghiệp

Department Of Forestry

HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC TRÊN CỞ SỞ GIỚI NĂM 2023!

Bàn giải pháp phát triển bền vững quế Việt Nam

Cập nhật ngày : 05/11/2022 01:06

Sáng 4/11/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức Hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững năm 2022. Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức liên quan.

Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật hiện trạng và thách thức của ngành quế, chia sẻ các hoạt động, sáng kiến từ các bên liên quan và thảo luận, xác định những giải pháp để phát triển quế một cách bền vững.

Theo báo cáo tại Hội thảo, Việt Nam hiện có tổng diện tích quế gần 170 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam. Tổng trữ lượng vỏ quế ước khoảng 900.000 – 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quần 70.000 – 80.000 tấn/ ha.

Hầu hết các nhà chế biến vỏ quết mua trực tiếp từ người thu gom sau đó sơ chế tô và chế biến tinh. Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 276 triệu USD trong năm 2022.

Thị trường tiêu thụ tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc, trong đó Ấn Độ là thị trường lớn nhất với giá trị xuất khẩu khoảng 90,7 triệu USD.

Bên cạnh những thuận lợi về nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường chất lượng cao, cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh từ Chính phủ, thì Theo ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, ngành quế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là môi trường chính sách còn thiếu định hướng chiến lược phát triển quế bền vững ở cấp quốc gia; chưa có diễn đàn điều phối hợp tác công – tư, chia sẻ thông tin, tìm kiếm nguồn lực…; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu thị trường.

Về năng lực sản xuất và chế biến, ngành quế vẫn còn thiếu công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông – lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực thế, thiếu chuyên gia và tài liệu.

Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển; chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường các - bon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế,…

Tại hội thảo, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc IDH Việt Nam chia sẻ, hiện ngành hàng quế thiếu một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để thống nhất tiếng nói và điều phối trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng vị thế sản phẩm quế trên thị trường quốc tế.

"Chúng ta chưa có văn bản mang tính chiến lược cấp quốc gia về cây quế. Cho tới trước thời điểm năm 2022, chúng ta cũng chưa tổ chức hội thảo mang tầm quốc gia nào", ông Dũng nói. Qua hội thảo, Giám đốc IDH Việt Nam bày tỏ mong muốn, Việt Nam cần một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp quế trong tương lai gần.

Tại Hội thảo, ý kiến của các đại biểu cho rằng, vai trò của hiệp hội là rất cần thiết đối với ngành quế. Bởi, hiệp hội là cánh tay nối dài để hỗ trợ tư vấn về chính sách, thị trường, đồng thời là mắt xích gắn kết giữa các tổ chức nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, đảm bảo lợi ích cho ngành hàng mà không bị manh mún, nhỏ lẻ và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp./.