Diễn đàn Lâm nghiệp PEFC 2025: Định hình tương lai của quản lý rừng bền vững

Ngày 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra sự kiện Diễn đàn Lâm nghiệp PEFC 2025: Định hình tương lai của quản lý rừng bền vững. Ông Nguyễn Văn Diện Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tham dự và khai mạc Diễn đàn.

Ông Nguyễn Văn Diện, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khai mạc Diễn đàn

Tham dự sự kiện có khoảng hơn 150 đại biểu là chuyên gia phát triển bền vững, doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm thảo luận sâu rộng về các xu hướng mới nhất trong quản lý và chứng chỉ rừng, thương mại lâm sản và tương lai phát triển ngành lâm nghiệp bền vững.

Diễn đàn được tổ chức hướng đến các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như các thành viên PEFC toàn cầu. Đây là nơi các ý tưởng, kiến thức và cơ hội hợp tác được trao đổi, góp phần xây dựng ngành lâm nghiệp của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển bền vững, hiệu quả và thích ứng với tương lai.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, mất rừng và suy thoái rừng là vấn đề môi trường toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Báo cáo hiện trạng rừng toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO, 2022) cho rằng tổng diện tích rừng toàn cầu đang tiếp tục thu hẹp, với độ che phủ rừng khoảng 31% diện trái đất (khoảng 4,05 tỷ ha). Khoảng 420 triệu ha rừng đã mất trong giai đoạn 1990 – 2020 với tốc độ mất rừng là 10 triệu ha trên năm trong giai đoạn 2015-2020; khoảng 47 triệu ha rừng nguyên sinh bị mất trong giai đoạn 2000-2020. Trong đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp được cho là động lực chính của nạn phá rừng, thúc đẩy gần 90% nạn phá rừng toàn cầu, trong đó khoảng 60% là sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các báo cáo cho thấy mất rừng, suy thoái rừng, thay đổi sử dụng đất và cháy rừng là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể, chiếm khoảng 15% tổng lượng phát thải.

Toàn cảnh Diễn đàn

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, gồm các thách thức do biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại, các yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe đối với nguyên liệu từ rừng và các sản phẩm từ gỗ về các vấn đề hợp pháp, truy suất nguồn gốc, tính bền vững và toàn vẹn môi trường. Do đó, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là mục tiêu quan trọng mà các quốc gia đang nỗ lực thực hiện để đáp ứng các yêu cầu thị trường và đóng góp cho mục tiêu khí hậu.

Tổ chức chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) là tổ chức chứng chỉ lớn trên thế giới, với khoảng 300 triệu ha rừng được chứng nhận trên toàn cầu. PEFC hoạt động độc lập với các thành viên là các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và các tổ chức quốc tế. PEFC cung cấp các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm đế đáp ứng các yêu cầu thị trường, đặc biệt hướng đến mục tiêu quản lý rừng bền vững. Việt Nam trở thành viên thứ 50 của PEFC năm 2019

Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) được thành lập và vận hành theo Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018) của Thủ tướng Chính phủ và được PEFC công nhận vào tháng 10 năm 2020. Mục tiêu chiến lược của VFCS là thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Tính đến tháng 4/2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ của Việt Nam đạt 655.957 ha, trong đó, diện tích rừng đạt chứng chỉ rừng VFCS/PEFC là 213.459 ha, chiếm gần 32,53% hướng tới mục tiêu đến hết năm 2030 đạt 1 triệu ha rừng có chứng chỉ.

Diễn đàn lâm nghiệp PEFC là sự kiện được PEFC tổ chức hằng năm. Việt Nam là nước đồng tổ chức Diễn đàn lâm nghiệp PEFC 2025 với chủ đề “Định hình Tương lai của Quản lý Rừng bền vững” diễn ra từ 5-10/5/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh. Các chủ đề trao đổi tại hội nghị sẽ là các các vấn đề liên quan đến quản lý rừng bền vững từ các yêu cầu về giảm nhẹ biến đổi đổi khí hậu thông qua Thỏa thuận Paris, bảo vệ đa dạng sinh học thông qua Khung Đa dạng Sinh học toàn cầu, và sản xuất không gây mất rừng./.