Công bố Quyết định chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Liên

Chiều ngày 25/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức công bố Quyết định nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên. Đây là vườn quốc gia thứ 35 của Việt Nam.

Đại diện Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Liên nhận quyết định nâng hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên

Vườn Quốc gia Xuân Liên tiền thân là Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-UB ngày 15/6/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; nằm trên địa giới hành chính của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Thường Xuân gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân, cách Thành phố Thanh Hóa 65 km về hướng Tây Nam.

Ngày 5/2/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 400/QĐ-UBND phê duyệt chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa.

Vườn Quốc gia Xuân Liên được giao quản lý trên 25.000ha trong đó, có trên 23.800ha đất rừng đặc dụng là khu vực chuyển tiếp giữa 2 vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung bộ, có tính đa dạng sinh học cao.

Các nhà khoa học đã điều tra ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 659 chi, 181 họ, trong đó có 56 loài thực vật rừng quý hiếm, có 11 loài thuộc danh mục của IUCN, 39 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam; 1.811 loài động vật thuộc 241 họ, 46 bộ; có 94 loài nguy cấp, quý hiếm, có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu thuộc Danh lục Đỏ IUCN, 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam.

Đây cũng là nơi mà trong nhiều năm qua đã phát hiện và bổ sung 10 loài mới cho khoa học, trong đó có 4 loài đặc hữu riêng của Xuân Liên và 6 loài đặc hữu của Việt Nam và khu vực, đó là sồi Xuân Liên; mộc hương Xuân Liên; thiên lý Xuân Liên; thượng tiễn Xuân Liên.

Loài lan rừng quý hiếm tại Vườn quốc gia Xuân Liên

Vườn Quốc gia Xuân Liên có trên 5.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm cổ thụ hàng trăm năm đến hàng ngàn năm tuổi, các loài điển hình như: Pơ mu, sa mộc dầu, vù hương, sến mật, re gừng, táu mặt quỷ, dổi xanh, cá biệt có những quần thể pơ mu, sa mu trên 1.000 năm tuổi, trong đó có 2 cây 1.500 tuổi được công nhận là cây Di sản Việt Nam.

Đặc biệt Vườn Quốc gia Xuân Liên là khu vực có phân bố lớn nhất, quan trọng nhất thế giới đối với loài vượn đen má trắng với 62 đàn/200 cá thể, xác định sự tồn tại của loài “Mang Roosevelt” trong hệ động vật rừng ở Xuân Liên (được coi là tuyệt chủng trên thế giới gần 100 năm nay, kể từ năm 1929) và xác định qua phân tích ADN chính là loài mang Pù hoạt. Riêng loài Mang Roosevelt (hay còn gọi là mang Pù hoạt) đến nay chỉ ghi nhận được ở Xuân Liên nên cũng được xem như loài đặc hữu của Xuân Liên.

Ông Trần Quang Bảo (bên phải), Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn Quốc  gia Xuân Liên.

Ngoài các hoạt nghiên cứu cơ bản về bảo tồn, Vườn Quốc gia Xuân Liên đã nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Bảo tồn và phát triển các loài lan (hài lông, hài vân, thuỷ tiên hường); bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng, giổi ăn hạt; nghiên cứu khai thác, phát triển các loài cầy vòi hương, cầy vòi mốc,…

Đặc biệt Vườn Quốc gia Xuân Liên đã nhân giống thành công đầu tiên bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào (Invitro) tại Việt Nam đối với loài lan hài vân bắc và lan hài lông.

Rừng Xuân Liên còn có vai trò dặc biệt quan trọng cho phòng hộ đầu nguồn của hệ thống thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt, nằm trọn trong lòng vườn quốc gia với trên 3000 ha mặt nước lòng hồ có lưu lượng trên 1,5 tỷ m3 phục vụ tưới tiêu cho 86.000 ha đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho vùng hạ du tỉnh Thanh Hoá.

Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Xuân Liên còn có nhiều vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo do sự đa dạng về địa hình, nhiều dãy núi cao hùng vĩ, cao nhất là Đỉnh Pù gió với 1.620m, mây mù bao phủ quanh năm là nơi phân bố loài đỗ quyên trắng và là nơi còn ghi dấu tích chiến địa pháo phòng không của quân và dân ta trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm trao ‘Hộ chiếu Vườn quốc gia Việt Nam’ cho lãnh đạo Vườn quốc gia Xuân Liên

Phát biểu tại Lễ công bố Vườn Quốc gia Xuân Liên, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh, việc chuyển hạng thành công Khu dự trữ thiên nhiên Xuân Liên trở thành vườn quốc gia thứ 35 của cả nước có ý nghĩa quan trọng đặc biệt; nó thể hiện thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Cục trưởng Trần Quang Bảo cũng đề nghị Ban quản lý Vườn tiếp tục quản lý tốt diện tích, ranh giới, tài nguyên Vườn quốc gia; trước mắt cần thiết lập hệ thống điều tra, giám sát đa dạng sinh học để thu thập số liệu định kỳ, vừa giúp cho vườn có được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, vừa giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh và Trung ương đưa ra được những quyết định chỉ đạo điều hành kịp thời.

“Xuân Liên được biết đến là khu vực có nhiều cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, đây là điều kiện tốt để phát triển du lịch với định hướng các sản phẩm du lịch nên được thiết kế ở mức chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động của Vườn và tiến tới làm giàu cho địa phương”, ông Trần Quang Bảo gợi ý.

Ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sẽ nghiên cứu, tiếp tục thiết lập cơ chế kết nối giữa các vườn quốc gia trên cả nước để các vườn có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến với nhau trên tất cả các lĩnh vực quản lý của một vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng (quản lý bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu hoa học, du lịch và giáo dục môi trường rừng).